Hoạt động dâng hương tưởng niệm và trải nghiệm thực tế tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và chủ quyền biển đảo
Việt Nam, dải đất hình chữ S với hơn 3000 km đường biển, giáp với Biển Đông, đó là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Chủ quyền trên biển đã được cha ông ta khẳng định cách đây hàng trăm năm! Đó là sự thật không thể bàn cãi. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn là trách nhiệm lớn lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”,
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”. Đây là điều hiển nhiên không chỉ trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người Việt Nam mà đã được Quốc tế công nhận. Những cứ liệu lịch sử đã khẳng định: Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với một Quốc gia có chủ quyền về biển, mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển thì Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt, là một phần không thể tách rời của cơ thể Việt. Thế nhưng! Phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc chưa bao giờ bình yên bởi sự gây hấn, sự tham lam và sự hiếu chiến của kẻ thù. Chúng đã ngày đêm muốn xâm lấn, muốn chiếm đoạt biển đảo thân yêu của chúng ta. Biết bao nhiêu người con đất Việt đã ngã xuống để giữ vững biển trời, giữ màu xanh yêu thương của biển.
“Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi dòng sông”
Hai tiếng “Tổ Quốc” khi cất lên trong tim mỗi người thật thiêng liêng và mang một sức mạnh lạ thường. Lúc đất nước bị xâm lăng thì tinh thần ấy, sức mạnh ấy giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Cách đây 36 năm, lực lượng Hải quân của ta đã có một trận chiến oanh liệt để bảo vệ cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa trước âm mưu đánh chiếm cột cờ cắm mốc chủ quyền của Việt Nam từ phía Trung Quốc. Ngày 14/3/1988 đã trở thành một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử quân chủng Hải quân Việt Nam. Trong trận quyết chiến giữ vững chủ quyền biển đảo, 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã mãi mãi nằm lại dưới lòng biển cả bao la, giữa trùng khơi của Tổ quốc! Những người lính Hải quân trẻ ngày ấy đã sống và chiến đấu quên mình để bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Tuổi xuân của các anh đã hiến dâng cho đất nước, tấm lòng ấy, tinh thần bất khuất ấy mãi là là tấm gương sáng cho những thế hệ trẻ noi theo. Biển bao la của quê hương đã từng nhuộm đỏ máu các anh sẽ cho các thế hệ Việt Nam sức mạnh để chiến đấu chống lại bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Để giữ được phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc, biết bao nhiêu người đã ngã xuống, biết bao người đã hy sinh. Triệu triệu người dân Việt sẵn sàng khi Tổ Quốc gọi và sẵn sàng hy sinh khi Tổ Quốc cần. Tinh thần ấy đã tạo nên sức mạnh, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Sự hy sinh ấy đã trở thành bất tử.
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sự đấu tranh của chúng ta là đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, chúng ta luôn biết kiềm chế trước sự gây hấn của những kẻ bạo tàng, không để sa vào cạm bẫy. Đó là sách lược hết sức đúng đắn mà cha ông ta đã đúc kết hàng trăm năm. Hơn bất cứ Quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh bởi những hậu quả tàn khốc của nó vì vậy phải tiến hành chiến tranh là điều mà chúng ta không hề muốn. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, chúng ta cũng thể hiện sự quyết tâm, khôn kéo, dũng cảm trước mọi hành vi gây hấn của kẻ bạo tàn.
Mỗi ngày, mỗi người dân Việt, trong đó có các bạn học sinh thân yêu của Trường Tiểu học Xương Huân hãy luôn tự hào, hãy luôn cố gắng gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách học tập tốt, lao động tốt, trở thành một người công dân tốt để cống hiến tài, đức của mình góp phần xây dựng cho đất nước ngày càng giàu, mạnh hơn. Hướng triệu trái tim về biển đảo để lắng nghe: “Tổ Quốc gọi tên mình”.
Tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức để chống lại quân xâm lược nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau. Nhiều bài học quý báu sẽ được rút ra từ trận hải chiến Gạc Ma như: ý thức cảnh giác, luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; trách nhiệm công dân, có tinh thần sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, tâm huyết để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc bằng các giải pháp hòa bình, sử dụng trí tuệ và công nghệ cao; biết đối thoại liên văn hóa, biết chung sống hòa bình, hướng tới tương lai hòa bình, hiểu biết và hữu nghị với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới… Nơi đây là địa điểm giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Xương Huân sáng nay ngày 20 tháng 12 năm 2024 đã tổ chức hoạt động ngoại khóa cho 180 học sinh, tham quan, dâng hương tưởng niệm và trải nghiệm thực tế góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống yêu nước và chủ quyền biển đảo đối với các em./.
Một số hình ảnh hoạt động:


















